24
Feb

Doanh nghiệp phải lập báo cáo tài chính chuẩn quốc tế từ 2025

Lộ trình áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế dự kiến chia làm hai giai đoạn: tự nguyện từ năm 2022 – 2025 và bắt buộc sau năm 2025.

Chia sẻ tại “Giải pháp về nguồn lực cho doanh nghiệp trước yêu cầu áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế” sáng 16/8, ông Trịnh Đức Vinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán kiểm toán – Bộ Tài chính, cho biết chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế.

Ví dụ, chuẩn mực này hướng đến việc ghi nhận tài sản và nợ phải trả theo giá gốc nên báo cáo tài chính chưa phản ánh đúng và đầy đủ tình hình tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo. Chất lượng báo cáo tài chính của doanh nghiệp cũng không theo kịp đòi hỏi của thị trường do lỗi thời và thiếu nhiều chuẩn mực so với thế giới.

Theo ông Vinh, tình trạng doanh nghiệp niêm yết, vốn nhà nước có xu hướng “làm đẹp” để báo cáo tài chính bóng bẩy, hỗ trợ giá cổ phiếu và báo cáo thành tích với đơn vị chủ quản vẫn còn. Trong khi đó, các doanh nghiệp chưa phải đại chúng lại muốn báo cáo tài chính xấu hơn thực tế nhằm né thuế nên tính trung thực không đảm bảo. Người sử dụng báo cáo vì thế không thể đánh giá hết tiềm lực và rủi ro của doanh nghiệp.

Thực trạng này yêu cầu Bộ Tài chính lẫn doanh nghiệp phải áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). “119 quốc gia trên thế giới đã bắt buộc doanh nghiệp sử dụng chuẩn mực quốc tế, trong khi Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 6 quốc gia tại châu Á – châu Đại Dương chưa áp dụng”, ông Vinh nói và cho rằng việc cần thiết áp dụng IFRS là điều hiển nhiên bởi lợi ích rất rõ ràng. Bộ Tài chính chỉ đang cân nhắc những câu hỏi như khi nào áp dụng, với đối tượng nào, bắt buộc hay tự nguyện, có nên giữ lại chuẩn mực báo cáo Việt Nam không…

Theo dự thảo Đề án áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế vào Việt Nam vừa được lấy ý kiến, lộ trình áp dụng báo cáo tài chính chuẩn quốc tế được chia làm hai giai đoạn chính.

Từ năm 2022 đến 2025, các doanh nghiệp có thể tự nguyện áp dụng chuẩn mực quốc tế để lập báo cáo tài chính hợp nhất. Sau giai đoạn này, Bộ Tài chính bắt buộc áp dụng chuẩn mực này đối với công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn chưa niêm yết, ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng…

“Ưu điểm của IFRS là tăng trách nhiệm giải trình, tính minh bạch để giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro hiệu quả. Đồng thời, trình bày các khoản mục của báo cáo tài chính theo giá trị hợp lý, phù hợp với diễn biến của thị trường tại thời điểm báo cáo (mark to market)”, đại diện Cục Quản lý giám sát kế toán kiểm toán nhận định.

Vị này cũng cho rằng, thực tế quá trình áp dụng sẽ phát sinh thêm giai đoạn chuẩn bị từ 2019 đến hết 2021. Đây là giai đoạn Bộ Tài chính chuẩn bị các điều kiện triển khai đề án như kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chính sách ưu đãi (trừ ưu đãi về thuế). Dự kiến năm sau, Bộ công bố bản dịch đầu tiên chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế từ tiếng Anh sang tiếng Việt dài khoảng 2.000 trang.

Theo thống kê của Deloitte vào cuối năm 2018, thị trường chứng khoán gồm HoSE, HNX và UPCoM có khoảng 540 doanh nghiệp đang lập báo cáo tài chính hợp nhất nên sẽ chịu tác động từ việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế. Trong đó, doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM chiếm gần một nửa. Điều này kéo theo 84% giá trị vốn hóa ba thị trường sẽ được điều chỉnh.

“Việc áp dụng sẽ tác động đến quy trình, con người và hệ thống hoạt động của doanh nghiệp. Quá trình áp dụng và chuyển đổi có thể kéo dài một năm hoặc hơn nên doanh nghiệp cần chuẩn bị sớm để tối đa lợi ích và giảm thiểu rủi ro. Đơn cử như khi bắt đầu sớm, doanh nghiệp có thể đảm bảo thời gian công bố thông tin, thực hiện theo tốc độ mong muốn hoặc thu hút nhân tài trước khi có cạnh tranh từ các đơn vị khác”, ông Bùi Văn Trịnh, Phó tổng giám đốc Dịch vụ kiểm toán và đảm bảo Deloitte Việt Nam, dự báo.